[Đăng ngày 11/12/2018]

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, Bộ Tư pháp đã tích cực xây dựng bộ máy tư pháp mới. Ở các khu, liên khu đã thành lập các Sở (nha) tư pháp; ở cấp xã có ban tư pháp xã. Như vậy một hệ thống tư pháp từ Trung ương đến cơ sở đã được thiết lập.

Sau khi Hiến pháp 1959 được ban hành, các cơ quan Tư pháp được sắp xếp lại cho phù hợp với tình hình lúc đó. Các cơ quan pháp chế đã hình thành từ Trung ương xuống Ủy ban hành chính (Vụ pháp chế Phủ Thủ tướng, Vụ, Phòng pháp chế ở các Bộ, ngành, Ban pháp chế ở các Ủy ban hành chính).

Tháng 3/1981, Bộ Chính trị quyết định thành lập lại Bộ Tư pháp trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) để kế thừa, mở rộng chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban Pháp chế, đồng thời quản lý các Toà án địa phương về mặt tổ chức. Từ đó đến nay, theo quy định của Chính phủ, các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ngành Tư pháp đã ba lần được thay đổi theo xu hướng mở rộng công tác Tư pháp để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng - an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Cũng từ đó, tổ chức của Ngành không ngừng được củng cố, phát triển mạnh mẽ, khẳng định rõ vị trí, vai trò đặc trưng của công tác Tư pháp trên các lĩnh vực xã hội. Ngày 07/11/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-TTg lấy ngày 28/8 hàng năm là “Ngày truyền thống của Ngành Tư pháp Việt Nam”. Có thể khẳng định đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công chức, viên chức, người lao động trong Ngành Tư pháp.

Sau khi Bộ Tư pháp được tái lập, hệ thống các cơ quan Tư pháp đã được kiện toàn từ Trung ương đến cơ sở (Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp xã); theo đó, Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hoà (trước đây là Sở Tư pháp tỉnh Phú Khánh), đã được thành lập theo quyết định số 285/QĐ-UB ngày 18/02/1982 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Khánh.

Tháng 7/1989, sau khi tách tỉnh, Sở Tư pháp Khánh Hoà với biên chế 10 người trong đó có 1 Phó Giám đốc, các tổ chức Tư pháp bổ trợ cũng chia tách phải tổ chức lại. Hệ thống Tư pháp cấp huyện chỉ còn 1 đến 2 người, có huyện không có cán bộ Tư pháp.

Trước tình hình ấy, lãnh đạo Sở Tư pháp đã tranh thủ sự lãnh đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cán bộ đảng viên, có ý thức cầu thị tiến bộ, ham học hỏi, phục vụ công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước, có ý thức phục vụ nhân dân đã đoàn kết chặt chẽ vừa tiến hành ổn định bổ sung cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất đẩy mạnh công tác, bảo đảm sự phát triển đơn vị về mọi mặt với chất lượng công tác năm sau cao hơn năm trước.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể khẳng định rằng, tuy mức độ, thành tích đạt được có khác nhau qua từng thời kỳ nhưng điều đáng ghi nhận là Ngành Tư pháp đã cố gắng bám sát, tập trung sức mạnh và trí tuệ tập thể, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao như: Công tác thẩm định văn bản từng bước đi vào nề nếp; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được tăng cường có hiệu quả, công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp chất lượng ngày càng được nâng cao; công tác tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; công tác thanh tra... được đẩy mạnh. Nhìn chung, trên tất cả các mặt công tác, ngành Tư pháp đều đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Cùng với thành tích chung của ngành, ngành Tư pháp Khánh Hòa cũng ngày một trưởng thành và phát triển đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận và biểu dương. Từ ngày đầu thành lập còn ít cán bộ, công chức, viên chức, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn thể CBCCVC của ngành qua nhiều thế hệ đã góp phần xây dựng và củng cố tổ chức bộ máy của ngành ngày một phát triển. Hầu hết CBCCVC của ngành được đào tạo căn bản về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý của ngành thường xuyên được Lãnh đạo, Đảng ủy Sở quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện.

Tư pháp cấp huyện, cấp xã cũng được củng cố, kiện toàn, đến nay toàn tỉnh có 8 Phòng Tư pháp huyện, thị xã, thành phố với hơn 200 CBCC. Đội ngũ cán bộ Tư pháp xã, phường, thị trấn được quan tâm xây dựng, củng cố. Đến nay, đã có nhiều xã, phường, thị trấn có công chức Tư pháp - Hộ tịch chuyên trách, nhiều địa phương đã có 2 công chức chuyên trách tư pháp cơ sở, từng bước đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ về phân cấp thẩm quyền trong tình hình mới. Công tác xây dựng và phát huy vai trò tổ hoà giải cơ sở cũng được quan tâm, đến nay, toàn tỉnh có 1.050 Tổ hoà giải với 5.647 hoà giải viên hoạt động tích cực, hiệu quả, hàng năm thụ lý và hoà giải thành hàng ngàn vụ việc mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nhân dân, góp phần giữ gìn trật tự, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân...

Từ những kết quả trong những năm qua đã chứng minh sự lớn mạnh không ngừng của ngành Tư pháp tỉnh nhà. Điều đó thể hiện sự kết tinh sức mạnh, trí tuệ tập thể và sự đoàn kết nhất trí cao của các đơn vị trong ngành, sự cố gắng nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn thể CBCC ngành Tư pháp dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp uỷ và chính quyền các cấp, sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của lãnh đạo Ngành. Với những thành tích đã đạt được, ngành Tư pháp Khánh Hòa nhiều năm được tặng Huân chương, Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của Trung ương, địa phương. Kể cả trong hợp tác quốc tế với ngành tư pháp của nước Lào anh em, chúng ta cũng nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao và được ghi nhận của Nhà nước, Chính phủ Lào với những Huân Chương, Bằng khen của Chủ tịch nước; Chính phủ Lào.


1

Đang online: 28

Số lượt truy cập: 3734393

Chung nhan Tin Nhiem Mang